Cá cẩm thạch được lai tạo trong các lọ đựng bơ đậu phộng bởi một tù nhân tên là Orville Gulley. Câu chuyện như sau, Orville cố gắng tạo ra cá betta bướm đen và vô tình phát hiện ra gen cẩm thạch. Ông gửi vài con cho Walt Maurus, một thành viên IBC (và một số nhà lai tạo khác) người phát hiện ra vẻ đẹp của chúng và bắt đầu lai tạo dòng cá này. Chúng giống như những con ngựa Pinto trong thế giới cá betta với những vệt sẫm trên nền thân màu nhạt hay ngược lại. Con cá cẩm thạch đầu tiên có hai màu đen/trắng nhưng sau đó người ta phát triển thành vô số dạng màu khác nhau và dùng chúng để tạo ra những dòng cá betta mới.
1. Kỹ thuật lai tạo cá Betta
- Gen cẩm thạch cỏ vẻ như chỉ trội một phần (có người lại cho rằng nó là gen đồng trội hay gen lặn một phần) vì thế lai cẩm thạch với cá đơn sắc sẽ tạo ra đa số là cá đơn sắc và một số ít cá cẩm thạch. Nếu cá cha mẹ đều mang gen cẩm thạch thì tỷ lệ cá con cẩm thạch sẽ cao hơn. Gen cẩm thạch tác động lên bề ngoài của cá theo cách không thể đoán trước được, tức là bất kỳ kiểu kết hợp màu sắc và hoa văn nào. Tuy nhiên, nhà lai tạo có lẽ phải trải qua nhiều thế hệ (và tuyển chọn) trước khi hình thành ý tưởng và sau đó lại đối diện với thách thức tạo ra dòng cá mới.
- Lai tạo cá cẩm thạch với nhau thường tạo ra cá đơn sắc nền sẫm, đơn sắc nền nhạt, cá bướm và cá cẩm thạch. Cá bướm đơn sắc xuất xứ từ dòng cẩm thạch sẽ có cùng đặc điểm di truyền với cá đơn sắc cũng ở dòng cẩm thạch; khi cá bướm lai với cá đơn sắc xuất xứ từ dòng đơn sắc, cá con sẽ mang gen bướm trội một phần.
- Lai giữa cá đơn sắc nền sẫm hay đơn sắc nền nhạt xuất xứ từ dòng cẩm thạch sẽ tạo ra cá cẩm thạch, cá đơn sắc và cá bướm. Nếu gen cẩm thạch được giới thiệu vào dòng cá đơn sắc thì sẽ cực kỳ khó để quay trở lại dòng cá đơn sắc. Cá con sẽ luôn dính ít nhiều màu cẩm thạch hay màu lạ. Lai xa dòng cẩm thạch với dòng khác sẽ tạo ra hiệu ứng “cẩm thạch” trên màu sắc của các dòng đó.
2. Hiện tượng Gen nhảy
- Một trong những nguyên tắc cơ bản mới được phát hiện gần đây trong ngành di truyền đó là sự tồn tại của “yếu tố di chuyển” hay còn gọi là “gen nhảy”. Trên thực tế, tồn tại những gen mà chúng có khả năng di chuyển từ vị trí này sang một vị trí khác trên chuỗi nhiễm sắc thể. Đôi khi chúng chèn vào một vị trí và tác động lên hoạt động của gen ở vị trí đó. Điều này làm cho tế bào (và các nhân bản của nó) không có khả năng hoàn tất một nhiệm vụ cụ thể liên quan đến gen đó. Bởi vì gen nhảy chỉ tạm thời nằm ở một vị trí cụ thể trên chuỗi nhiễm sắc thể, cho nên sự mất tác dụng của gen chỉ là tạm thời.
- Nếu gen nhảy tồn tại và nó chèn vào vị trí gen chịu trách nhiệm tạo ra sắc tố đen, nó sẽ làm ngưng việc sản xuất sắc tố đen từ đó các tế bào (và nhân bản của chúng) không thể tạo ra sắc tố đen. Điều này tạo ra những đốm chẳng hạn đốm trắng hay đốm mờ. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra! Nếu tế bào không có khả năng tạo ra sắc tố đen bởi vì sự hiện diện của gen nhảy, và khi gen này dời đi thì tế bào (và các nhân bản của nó) lại có khả năng tạo ra sắc tố đen và màu đen lại xuất hiện. Đôi khi những đốm đen trên nền thân nhạt màu của cá cẩm thạch bỗng xuất hiện điểm trắng ở chính giữa (trông giống như con mắt). Điều này có thể giải thích một cách dễ dàng nếu bạn nghĩ rằng những tế bào nhân bản ban đầu không thể tạo ra sắc tố đen bởi vì sự hiện diện của gen nhảy (tạo ra nền thân nhạt màu) sau đó gen nhảy dời đi làm cho màu đen xuất hiện (tạo ra những chấm đen), rồi ở một số tế bào, gen nhảy quay lại và hạn chế sắc tố đen làm xuất hiện điểm trắng bên trong những đốm đen.
- Lý thuyết về “gen nhảy” có thể được sử dụng để giải thích tại sao một số cá cẩm thạch lại không hề có hoa văn “cẩm thạch”. Nếu “gen nhảy” không chèn (trường hợp nền sẫm) hay dời đi (trường hợp nền nhạt) ở bất kỳ tế bào nào trong suốt quá trình sinh trưởng của cá thì hoa văn “cẩm thạch” sẽ không xuất hiện. Bây giờ, điều này cũng có thể xảy ra với những màu khác… chẳng hạn các màu xanh lục, xanh dương, xanh thép và đỏ. Gen nhảy sẽ chèn vào chuỗi gen và bật hay tắt khả năng tạo sắc tố ở những tế bào nhân bản.
- Có rất nhiều bằng chứng cho thấy gen nhảy hay “yếu tố di chuyển” có thể là nguyên nhân tạo ra đặc điểm “cẩm thạch” ở cá betta. Sự xuất hiện của đặc điểm cẩm thạch có thể được lý giải bằng lý thuyết này. Nhưng để chứng minh nó có thể sẽ rất khó khăn. Có một điều chắc chắn luôn đúng: cho dù bạn có thích cơ chế di truyền của cá cẩm thạch hay không thì cũng phải thừa nhận rằng chúng rất đẹp.
Title :
kỹ thuật lai tạo cá betta, lia thia
Description : Cá cẩm thạch được lai tạo trong các lọ đựng bơ đậu phộng bởi một tù nhân tên là Orville Gulley. Câu chuyện như sau, Orville cố gắng tạo ra ...
Rating :
5